Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Vpop thiếu gì để tạo nên làn sóng như Kpop?

Thiếu rất nhiều, và cái thiếu nhiều nhất chính là khán giả.

Làn sóng Hallyu (làn sóng thần tượng Hàn Quốc) hiện nay đã bao trùm gần như toàn bộ Châu Á, và sự thành công của SM Town in Paris đã mở toang một cánh cửa sang khu vực "màu mỡ" khác: Châu Âu. Những tên gọi tiên phong cho làn sóng này như Super Juinor, SNSD, 2PM, Big Bang, Wonder Girls... có được một lực lượng fans như mơ, một vị trí mà bất kỳ ca sĩ, thần tượng nào cũng ao ước. Thử đặt lên bàn cân, chấp nhận sự khập khiễng gần như rõ ràng và thua thiệt dành cho Vpop, nhưng cứ thử, để xem chúng ta thiếu gì để có thể tiến lên?

Việt Nam có thể thành công với mô hình... đông thành viên?

Super Junior - Nhóm nhạc thành công với mô hình 13 thành viên

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra về sự khác biệt giữa nhóm nhạc thần tượng Kpop với Việt Nam. Tại sao nhóm nhạc Hàn lại đông đến như thế? Tại sao các ông trùm giải trí như SM, JYP, YG lại có thể tồn tại nổi, thậm chí giàu có với "hàng đống" ca sĩ độc quyền, "nuôi quân" từ lúc các ca sĩ đó là thực tập sinh, bỏ ra số lượng tiền không nhỏ để đào tạo, có phải là mạo hiểm? Tại sao nhóm nhạc Hàn lại có thể quảng bá hình ảnh mạnh mẽ đến như thế? Tại sao nhóm nhạc Hàn có thể hát live, còn Việt Nam thì... rất khó?

Tất cả vấn đề đều quy tụ về một chỗ: chúng ta thiếu cơ sở vật chất một cách trầm trọng.

Việc nhóm nhạc Hàn có thể tồn tại với số lượng thành viên cực đông như Super Junior 13 thành viên, SNSD 9 thành viên, ZE:A 9 thành viên.... là bởi thế mạnh của các công ty họ độc quyền ký kết. Rõ ràng, với số lượng đông thành viên, đồng nghĩa với việc họ có lượng "trai xinh gái đẹp" nhiều, và thế là, họ có thể đáp ứng được nhiều "thị giác thẩm mỹ" của công chúng. Thêm vào đó, sự dàn trải đội hình của họ trên sân khấu sẽ đẹp rạng ngời, vị trí linh động và không làm công chúng nhàm chán. Một lý do nữa, đó chính là sự "thâu tóm" các lĩnh vực của họ cũng rộng rãi.

Sau khi HanKyung kiện công ty rời khỏi nhóm, KangIn đi nghĩa vụ, Kim KiBum đóng phim. Nhóm vẫn "bành trướng" độ thành công với 10 thành viên

Ví dụ như Super Junior, với 12 thành viên hiện nay của họ lấn sân sang tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác của Kbiz (Kim Kibum, Choi Siwon, Dong Hae - điện ảnh, LeeTeuk, Eunheuk, Yesung - MC, Kyunhyun, RyeoWook, HeeChul - nhạc kịch...). Và, nếu 1, 2, hay thậm chí 3 thành viên của họ có lịch trình bận, thì với lượng thành viên còn lại, họ vẫn làm "no lòng" công chúng khi đứng trên sân khấu âm nhạc. Bên cạnh đó, họ có thể tạo ra những nhóm lẻ để "chinh phục" những thị trường khác, như Super Junior K.R.Y (3 thành viên) - thị trường Nhật Bản, Super Junior M (8 thành viên) - thị trường Trung Quốc, Đài Loan.... Từ đó, thương hiệu của nhóm cũng được quảng bá rộng rãi hơn.

Vậy tại sao Việt Nam mình không làm như thế được? Việt Nam mình không thể làm.

Vì mặt bằng sân khấu của chúng ta không đủ để có thể... quá 6 thành viên đứng hát, nói chi là "nhảy tưng bừng" với vũ đạo, linh hoạt tương tác với khán giả. Ngoại trừ các sân khấu lớn như Lan Anh, Hòa Bình, Bến Thành, Nhà hát Thành Phố, Nhà hát lớn Hà Nội... các sân khấu khác phạm vi rất nhỏ, và việc có quá nhiều thành viên họ sẽ khó xuất hiện ở các sân khấu như thế, trong khi những sân khấu đó chiếm hầu hết tại Việt Nam.

Sân khấu lớn để có thể chứa đựng số lượng thành viên đông trong một nhóm nhạc tại Việt Nam không nhiều

Vì âm thanh không đảm bảo, điều này cũng giải thích vì sao với nhóm nhạc Việt Nam rất khó hát live được. Việc điều chỉnh âm thanh là một trong những điều kiện lớn nhất ảnh hưởng đến hình ảnh của nhóm nhạc, ca sĩ. Nhưng ở Việt Nam, chỉ những chương trình cực lớn thì dàn âm thanh mới đảm bảo tiêu chuẩn, còn những chương trình khác thì các micro không cân bằng, và không phải ai điều chỉnh âm thanh tại Việt Nam cũng là "dân" được đào tạo bài bản. Vậy nên, vì các chương trình lớn ở Việt Nam hằng năm đếm trên đầu ngón tay, nên nếu đông thành viên, chỉ xuất hiện ở những chương trình đó thì đến khi nào họ mới được khán giả "nhớ mặt, đặt tên"?

Noo Phước Thịnh - Đông Nhi vô cùng nổi tiếng, nhưng cũng không phải là "thương hiệu" lớn ở các tỉnh miền Tây

"Gu" thưởng thức âm nhạc của chúng ta có khoảng cách quá lớn. Nếu ở Hàn Quốc, các ca khúc đình đám của họ có thể diễn ra ở khắp nơi, thì Việt Nam, sự phân chia địa lý tạo nên những "nét văn hóa, thưởng thức" hoàn toàn cách biệt. Đi xem ca nhạc ở miền Tây, bạn sẽ thấy họ thần tượng Phạm Trưởng, HKT, Lâm Chấn Huy.... Ở phía Bắc là M4U, Hà Anh Tuấn, Phương Linh... Thật khó tưởng tượng sẽ thế nào nếu nhạc RnB, Hiphop được biểu diễn ở miền Tây, còn HKT lại xuất hiện ở... nhà hát lớn Hà Nội? Ở đây, chúng ta không nói đến hay hoặc dở, chính thống hay thị trường, sang hay không sang, mà chúng ta đang nhấn mạnh đến "gu âm nhạc" mỗi nơi mỗi khác, quá khác và... cực kỳ khác biệt.

Đông thành viên - chuyện trong mơ! Nên chuyện phủ sóng rộng rãi một cách nhanh chóng - cũng trong mơ nốt!

Việt Nam mình có thể đào tạo kỹ càng và... ký hợp đồng 10 năm?

Lee Hyori - Nữ hoàng sexy của Kbiz là một trong những ca sĩ cực kì hiếm hoi khi không bước qua thời kỳ thực tập sinh

Nếu là fans Kpop, ai cũng biết ở Hàn Quốc, các ca sĩ được đào tạo từ khi còn cấp 2, thậm chí cấp 1 với tên gọi "thực tập sinh". Các ca sĩ được phát hiện sau, đào tạo ngắn hạn là những người cực kỳ tài năng, có giọng hát thiên phú, khả năng chơi nhạc cụ cực chuẩn, và được chọn lựa từ mấy ngàn người. Việt Nam chúng ta có thể làm như thế không?

Rất khó!

Âm nhạc được ưa chuộng ở Việt Nam là âm nhạc không ổn định. Chúng ta bị tác động mạnh mẽ từ các dòng âm nhạc và hình tượng từ nước ngoài, nhất là thời đại internet hiện nay khiến khán giả nhanh chóng tiếp cận với những cái tối ưu của thế giới, từ đó thị hiếu thay đổi và... người làm nghệ thuật bắt buộc phải chạy theo những điều đấy để tồn tại trong showbiz. Vì vậy, nên khi đào tạo được như thế, nhưng trong điều kiện kinh phí giới hạn, công ty âm nhạc, nhóm nhạc, ca sĩ vẫn chẳng được lòng công chúng.

Vmusic - một trong nhóm nhạc thành công hiện nay vẫn "chiều lòng" công chúng chứ không dám "vẽ nét" cho riêng mình

Ở Việt Nam, đầu tư album "khủng" như 2PM là "cầm chắc cái chết"

Thói quen mua đĩa lậu, và hiện nay là nghe nhạc... "chùa" trên mạng cũng là một hành động "giết chết" quy trình này tại Việt Nam. Nếu ai "chịu chơi" tạo dựng nên cái mới, cái hay, bỏ ra "tiền tỷ" để làm Album, MV thì... lỗ chắc. Thói quen của công chúng Việt đã tạo nên thói quen của nghệ sĩ Việt: ra album là "lỗ chắc", thôi thì "lỗ ít" còn hơn "lỗ nhiều". Chính điều này khiến nghệ sĩ chúng ta rất "nhát tay" để đầu tư, vì nếu quả thật hay thì mọi người chỉ khen một câu, và họ chẳng có ý định ra mua một album gốc về ủng hộ bao giờ.

Thêm vào đó, cũng phải nói đến tình hình kinh tế của chúng ta. Không nói đến giới trẻ ở Hà Nội và Hồ Chí Minh có khả năng bỏ mấy chục nghìn, mấy trăm nghìn để làm vui lòng thần tượng. Nhưng ở các tỉnh thành khá khó khăn khác thì đó là "chuyện lớn" đối với khán giả. Chúng ta còn rất nhiều thứ phải lo, và ngành giải trí chỉ là "dịch vụ" chứ chưa được ưu tiên, thúc đẩy trở thành ngành công nghiệp như các nước trên thế giới. Điều đó dẫn đến các chương trình ca nhạc, game show, truyền hình thực tế không được nhà nước chú trọng và mở cửa rộng rãi, khán giả từ đó chỉ "thỏa lòng" với các show Hàn mà thôi. Vấn đề không phải chúng ta không làm được, mà là không thể làm vì những gì tác động xung quanh vô cùng to lớn.

Màn trình diễn "mãn nhãn" khoe 6 múi thế này không thể có được tại Việt Nam

Chính những điều này khiến... chẳng ai dám làm "mạnh tay", đào tạo 6 tháng là có thể "vỗ ngực xưng tên" là chuyên nghiệp lắm rồi nói chi đến  4 - 6 năm. Mà có làm, thì cũng chẳng "thực tập sinh" nào dám ký, vì ở Việt Nam không thể đảm bảo cứ "tung hàng" là chiến thắng. Đâu một tài năng nào dám "liều mạng" ký 10 năm mà biết chắc rằng tương lai mình đi khá mờ mịt?

Khán giả Việt, họ ở đâu?

Thiếu đủ thứ về kinh tế, về thời gian, về kỹ năng là thế, chúng ta còn thiếu luôn cả... khán giả. Tất nhiên, chẳng ai trách công chúng trẻ cứ kêu gào các thần tượng Hàn Quốc của họ, nhưng hơn ai hết, nghệ sỹ Việt rất mong khán giả hiểu được những vấn đề "nan giải" trên để nhìn họ với ánh mắt thông cảm hơn. Việc đặt lên bàn cân và cứ nhất mực Hàn hơn, Kpop là nhất, Super Junior là số một, Big Bang là đỉnh... càng khiến cho nghệ sỹ Việt nản lòng với những kế hoạch họ đưa ra.

Nghệ sĩ Việt rất cần ánh mắt thông cảm hơn từ công chúng trẻ...

Họ - công chúng trẻ, cứ nói rằng chúng tôi cũng thích nhạc Trịnh, thích 1088, thích MTV để "giải trình" cho sự quay lưng của họ với nghệ sĩ trẻ bây giờ. Nhưng, trong số họ, chẳng ai đi mua đĩa gốc nhạc Trịnh về "để đầu giường" và cũng chẳng ai thấy bất kỳ cái gì liên quan đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là mua vé để đi xem. Còn thời MTV, 1088 - những nhóm nhạc này nên mừng vì internet và Kpop chưa bùng nổ như bây giờ, chứ nếu có thì chắc gì họ là phiên bản thành công của nhóm nhạc Việt?

Sự phát triển của bất kỳ một hình thức, thể loại nào cũng đều cần có thời gian và những yếu tố khác tác động. Để xây dựng một nền công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, cần rất nhiều sự tương tác của một hệ thống lớn từ nhà nước, kinh tế, dân trí, và khán giả. Ở đây, chúng tôi không phân định chuyện đúng sai trong việc thần tượng, nhưng, chúng tôi mong rằng sẽ có một cách nhìn công bằng và ưu ái hơn với âm nhạc Việt, hãy hiểu những gì tác động đầy đủ xung quanh khiến nghệ sĩ Việt muốn rất nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu, như vậy có phải là sự đòi hỏi quá đáng với khán giả trẻ yêu nhạc đương đại?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét